H. Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam)- vùng đất đầu nguồn sông Mẹ Thu Bồn của xứ Quảng có nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa như đèo Le, Trung Phước, Hòn Kẽm Đá Dừng, Đại Bình, căn cứ Tân Tỉnh, lăng Bà Thu Bồn… Những tiềm năng ấy đang được đánh thức để mở ra hướng phát triển về du lịch.

Vẻ đẹp thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng.

Trong chuyến khảo sát vào giữa tháng 9-2018 của ngành du lịch Quảng Nam tổ chức, sau hơn 3 giờ chạy thuyền máy từ bến Cửa Đại (Hội An) chúng tôi đến khu vực Hòn Kẽm Đá Dừng. Tại nơi đầu nguồn sông Thu Bồn, hai bên bờ đá dựng hùng vĩ, cây cỏ xanh biếc bám kín những vách núi đá với muôn hình dạng kỳ thú tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Thuyền máy dừng lại tại bến Tý Bồi (xã Quế Lâm), ông Nguyễn Văn Hai – một người dân sống bằng nghề chài lưới cho biết: Xung quanh khu vực Hòn Kẽm Đá Dừng, từ xưa đã hình thành những địa danh như Khe Nghiêng, Đá Bàn, Đá Mài, Nước Mắt, Ba Hang, Vũng Tăm… với nhiều câu chuyện huyền thoại. Đứng trên cầu treo Quế Lâm, ngắm nhìn thung lũng Hòn Kẽm Đá Dừng, nơi dòng Thu Bồn thắt lại lần cuối cùng ở vùng thượng lưu rồi buông mình chảy qua biết bao bờ bãi về xuôi, cảnh thiên nhiên thật đẹp. Nhìn sang bên kia bờ, thấp thoáng những ngôi làng thuộc các xã Hiệp Hòa, Hiệp Thuận (H. Hiệp Đức) yên bình xa xa. Chắc hẳn, bước chân du khách đến đây sẽ rất thích thú…

Theo chân đoàn khảo sát các điểm đến ở H. Nông Sơn như lăng Bà Thu Bồn nằm bên tả ngạn dòng Thu Bồn ở thôn Trung An (xã Quế Trung), suối nước nóng Tây Viên (xã Sơn Viên), làng nghề chế tác trầm cảnh (xã Quế Trung), di tích Chiến thắng Nông Sơn – Trung Phước (xã Quế Trung), thủy điện Khe Diên, mỏ than Nông Sơn…, mới thấy hết vẻ đẹp riêng có về tự nhiên nơi vùng đất đầu nguồn Thu Bồn non nước hữu tình và những giá trị văn hóa – lịch sử nơi đây. Đoàn khảo sát theo thuyền máy ngược về làng Đại Bình, nơi được mệnh danh là làng Nam Bộ giữa miền Trung. Đường làng Đại Bình xanh um, có hàng rào trồng bằng chè tàu hay sen núi xanh mướt được cắt tỉa đẹp mắt. Dải đất hình chữ C của làng ôm trọn thành một “ốc đảo” quanh năm xanh tốt. Ông Nguyễn Lạng – một trong những người đang mở dịch vụ tham quan tại nhà cho biết: Thời gian gần đây, nhất là vào mùa trái cây tháng 8 âm lịch, nhiều đoàn du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực và mua đủ thứ cây trái về làm quà. Trong đó, du khách ưa thích nhất là trái trụ lông – một giống như bưởi nhưng vị ngọt thanh, thơm chỉ làng này mới có… Ông Lang cho biết thêm: Nhận thấy nhu cầu du lịch của du khách ngày càng cao, nên nhiều gia đình tại Đại Bình đã mở “kiểu” dịch vụ này và du khách rất thích các món dân dã cây nhà lá vườn… Hiện nay, nhiều gia đình như ông Nguyễn Quang, Nguyễn Văn Soạn, Nguyễn Văn Thịnh… đã cải tạo lại vườn nhà, đầu tư tường rào, cổng ngỏ, bố trí nơi ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách tại nhà. “Thực tế, đó chỉ là sự chủ động vào cuộc của khoảng 10 gia đình trong thời gian hai đến ba năm gần đây, bởi nhiều lý do như trái cây vào mùa thường được các chủ thương lái đặt mua trước, hoặc lượng du khách không ổn định nên tâm lý đầu tư của các hộ ban đầu còn e dè, lo lắng…”, ông Nguyễn Văn Soạn đã chia sẻ như vậy.

Khách du lịch tham quan trải nghiệm làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu.

Trong buổi làm việc về định hướng phát triển du lịch tại H. Nông Sơn, ông Lê Ngọc Trung – Chủ tịch UBND huyện cho biết, với diện tích 457,92 km² và địa hình tự nhiên núi đồi, sông nước vùng phía Tây của tỉnh, huyện có những tiềm năng về tự nhiên, bề dày văn hóa – lịch sử để phát triển du lịch. Tuy nhiên có nhiều yếu tố phụ thuộc, nhất là địa hình xa xôi cách trở và địa bàn huyện luôn chịu thiên tai lũ lụt hoành hành. Thực tế sau hơn 10 năm thành lập huyện, du lịch nơi đây hầu như chưa phát triển một cách bài bản, chủ yếu là sự tự phát, quy mô nhỏ lẻ của một số hộ dân tại làng Đại Bình. Các điểm du lịch, sản phẩm du lịch chưa được đầu tư, quy hoạch phát triển bài bản. Trên địa bàn huyện, mới có hai điểm đến là làng Đại Bình và Hòn Kẽm – Đá Dừng có khách đến tham quan trải nghiệm nhưng với số lượng ít và còn mang tính mùa vụ. Dịch vụ lưu trú toàn huyện mới có 5 nhà nghỉ và 3 homestay phục vụ du khách. Hiện nay, H. Nông Sơn đang xây dựng hai đề án “Quy hoạch phát triển du lịch huyện giai đoạn 2018 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và “Phát triển du lịch làng Đại Bình gắn với phát triển nông nghiệp hữu cơ”. Theo đó, trong chiến lược phát triển du lịch của địa phương, Nông Sơn xác định ưu tiên đầu tư phát triển làng trái cây Đại Bình làm điểm nhấn trung tâm, từ đó kết nối tạo sự lan tỏa với các điểm đến khác như Hòn Kẽm – Đá Dừng, suối nước nóng Tây Viên, mỏ than Nông Sơn, lăng Bà Thu Bồn… Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng thế mạnh tại địa phương, H. Nông Sơn có đủ các điều kiện để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như homestay, phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, làng quê… Hầu hết các điểm đến nơi đây hội tụ nhiều yếu tố như không gian mở, cảnh quan làng quê mang bản sắc riêng, hệ thống sông nước, hay trung du núi đồi phù hợp với việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái nên trong bước đi phát triển du lịch cần đảm bảo sự hài hòa vừa phát huy tiềm năng, vừa bảo tồn, giữ gìn không gian xanh, sạch để tạo ra sự phát triển cân đối, bền vững. Đồng thời, huyện đang hoàn thiện khớp nối các trục giao thông chính để tạo thuận lợi trong việc liên kết với các điểm du lịch các huyện lân cận như Mỹ Sơn (Duy Xuyên), Khu di tích Phước Trà, hồ Việt An (Hiệp Đức), suối Tiên (Quế Sơn), xa hơn nữa là từ Hội An, Đại Lộc, Đà Nẵng… Hiện nay, quốc lộ 14H đoạn qua đèo Phường Rạnh đã hoàn thiện đã kết nối huyện Duy Xuyên với Nông Sơn, cầu Trà Linh nối vùng giáp ranh vùng đầu nguồn sông Thu Bồn bắc qua hai xã Quế Lâm (Nông Sơn) và Hiệp Thuận (Hiệp Đức) đang được thi công và con đương Đông Trường Sơn nối ba huyện Nam Giang, Nông Sơn và Hiệp Đức đang hoàn thành đã mở ra việc kết nối H. Nông Sơn với các huyện phía Tây, mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch trong tổng thể du lịch miền núi của tỉnh.

Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: Đề án phát triển du lịch của H. Nông Sơn là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy (khóa XXI) về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là phát triển theo hướng văn hóa – sinh thái gắn liền với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Ngành du lịch sẽ có hỗ trợ các điều kiện như tập huấn hướng dẫn kinh nghiệm cho cán bộ quản lý và người dân về làm du lịch, thúc đẩy công tác quảng bá điểm đến, kêu gọi các hãng lữ hành kết nối xây dựng các tour du lịch theo đường bộ hoặc đường sông đưa khách đến làng Đại Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng…

Bức tranh phác thảo du lịch trên địa bàn H. Nông Sơn bởi các điểm nhấn như suối nước nóng Tây Viên dưới chân núi Hòn Tàu, làng Đại Bình, Hòn Kẽm Đá Dừng, lăng Bà Thu Bồn… sẽ lưu dấu những hành trình của du khách. Để bất kỳ ai đó đã một lần đặt chân đến Nông Sơn, một lần ngược ngàn bằng đò giang hay đường bộ, để tận mắt nhìn vùng đất đầu nguồn sông Mẹ Thu Bồn giàu trầm tích văn hóa.

THẢO NGUYÊN