Độc đáo lễ hội Bà Thu Bồn Nông Sơn

Chia sẻ lên mạng xã hội

Sông mẹ Thu Bồn- dòng sông quê hương, dòng sông xứ sở đã ăn sâu vào tâm trí người dân, là dòng mạch tràn đầy sinh lực cội nguồn của biết bao giá trị lịch sử, văn hóa. Ở phía thượng nguồn, tại thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn có di tích Dinh Bà Thu Bồn, là di tích cấp tỉnh, được công nhận theo Quyết định số: 130/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 01 năm 2008 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Nét đặc trưng ở đây là di tích còn hiện hữu các công trình kiến trúc, địa danh như: cổng tiền, cổng hậu, giếng Bà, ao Bà, vườn Bà, ghềnh Bà… tất cả đều gắn với các truyền thuyết về Bà, đều mang dậm màu sắc tín ngưỡng dân gian của cư dân miền sông nước.

Do được truyền miệng, lại qua rất nhiều thế hệ nên cũng có khá nhiều dị bản. Một trong những câu chuyện đó kể rằng: Bà là nữ tướng người Chăm xinh đẹp, có mái tóc dài mượt, đen tuyền. Bà có tài điều binh khiển tướng, từng chinh chiến nhiều trận mạc. Trong một lần giao tranh bị thất bại, Bà cho quân sĩ men theo dòng sông chạy về hướng Tây khi đến Phường Rạnh (nay thuộc thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn). Nhận thấy địa hình núi sông hiểm trở, Bà cho quân lính tập trung lập doanh trại để án binh chờ cơ hội. Để ổn định quân tình, Bà sai người đào giếng lấy nước sinh hoạt, trồng lúa nước để đảm bảo lương thực. Bà chỉ cho dân làng cách trồng các loại cây lương thực, hoa màu, chăn nuôi súc vật… Một trong những công trạng đáng chú ý của Bà là biết dùng những loại lá cây để chữa bệnh cho người và súc vật; dạy cho dân làng cách trồng cây thuốc để chữa bệnh. Cũng chính vì vậy mà ngày nay chúng ta nhìn thấy còn đó ao Bà, giếng Bà, vườn Bà, ruộng Bà, ghềnh Bà… Một số địa danh đã trở thành những câu ca quen thuộc của người dân địa phương:

“Ghềnh Bà cá lội tung tăng

Thác Ông chim gáy cát giăng bãi bồi”

Trong một lần giao chiến thất bại, Bà gieo mình xuống dòng sông để tuẫn tiết, xác Bà trôi theo dòng nước về dưới miền xuôi.

Sau khi mất, có nhiều giai thoại về sự hiển linh của Bà trong việc cứu nhân độ thế, phù hộ cho dân làng vượt qua bao thiên tai, bệnh tật, rủi ro trong cuộc sống, giúp mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa màng trĩu hạt.

Tiếng lành đồn xa, đến kinh thành nhà Nguyễn. Xét thấy công trạng rất lớn khi còn sống cũng như sự hiển linh của Bà trong việc cứu nhân độ thế nên đã ban sắc phong cho Bà là “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”.

Để tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công ơn của người mẹ Thu Bồn đã che chở, phù hộ cho dân làng được bình an, ấm no, hạnh phúc; từ mùng 10 đến 12 tháng 2 âm lịch hằng năm, bà con nhân dân thôn Trung An, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn tổ chức lễ hội gọi là Lễ hội Bà Thu Bồn, lâu nay đã trở thành thông lệ bất biến mà người dân địa phương gọi là “lệ Bà”.

Ngày “lệ Bà” được tổ chức với nhiều hoạt động lễ, hội đan xen, hòa quyện vào nhau, điểm tô cho bức tranh làng quê bên sông Thu Bồn thêm sinh động, lung linh mà chủ thể là hình bóng người mẹ Thu Bồn- người phụ nữ tài năng, đức độ, là người mẹ của quê hương xứ sở mang màu sắc huyền bí; là biểu tượng của quê hương thái bình. Mảnh đất Trung An từ đó đã trở thành điểm hẹn văn hóa tâm linh, thu hút nhiều du khách thập phương. Trong phần lễ, người dân thôn Trung An tái hiện lại các nghi thức gắn liền với truyền thuyết về Bà như lễ Rước sắc, lễ Rước nước, lễ Tế Bà, thả hoa đăng. Phần hội như hát tuồng, đua ghe, hô bài chòi, các hoạt động thể dục thể thao…

Để đảm bảo nghi thức uy nghiêm, lễ Rước sắc nhập Dinh được tổ chức đầu tiên và luôn được dân làng chuẩn bị rất chu đáo. Lễ Rước sắc mô phỏng lại cảnh quan quân triều đình nhà Nguyễn về tuyên chỉ sắc phong; có nhạc cụ, lọng, cờ, chinh cổ đi kèm. Những người khiêng kiệu sắc được dân làng tuyển chọn là người có phẩm hạnh, để bày tỏ lòng thành kính một mực hướng về Bà. Dân làng trong trang phục truyền thống, đàn ông áo dài khăn đóng, phụ nữ áo dài nón lá chỉnh tề cùng tham gia đoàn rước sắc. Sau khi lễ cúng nhập Dinh, sắc phong của Bà được nghinh toạ trên bàn thờ cao nơi chính điện.

Lễ Rước sắc nhập Dinh 

Lễ Rước sắc nhập Dinh

Theo quan niệm của dân làng, để cúng Bà theo ý nguyện, thì nước cúng và chế biến các món thành lễ vật phải được lấy từ giếng Bà, vì thế Lễ Rước nước được thực hiện liền kề sau Lễ Rước sắc. Giếng Bà nằm ở hướng Đông – Nam, cách Dinh khoảng 500m. Đây là nơi hội tụ nhiều mạch nước ngầm từ trong rừng chảy ra nên nước rất trong và mát. Ngày nay vẫn còn thấy những mạch nước tự phun lên và không bao giờ cạn. Đoàn rước nước cúng xin Bà cho nghinh nước nhập Dinh.

Khi đoàn nghinh nước đi ngang qua vườn Bà thì dừng lại cho “quân lính” vào vườn hái lá về nấu nước dâng cúng Bà. Hiện vẫn còn đó những cội chè lâu năm, những gốc cây cổ thụ. Vườn này được giao cho một hộ trong làng canh tác. Từ xưa đến nay, cây chè được trồng thường xuyên để tới dịp “lệ Bà”, chè được hái về nấu nước, dâng cúng Bà coi như thể hiện lòng thành kính “uống nước nhớ nguồn – ăn quả nhớ người trồng cây”.

Trong lễ hội, Ban Tổ chức bố trí không gian cho “nước Bà” là nước được rước về từ giếng Bà và một gian cho “thuốc Bà”. Đây là những loại cây lá hái từ vườn Bà, theo những bài thuốc chữa bệnh thông thường trong dân gian. Nghi thức này mô tả lại công trạng của bà Bà trong việc chữa bệnh và truyền dạy cho dân làng cách dùng các loại cây thuốc để chữa bệnh.

Hằng năm, người đến viếng Bà không chỉ là người dân trong làng mà còn có những người trước kia sinh sống ở làng, giờ sinh sống và làm ăn nơi khác. Dù có đi đâu, ở đâu vẫn luôn hướng về Bà, nên đến ngày “lệ Bà” là lại tập trung về đông đủ. Du khách phương xa cũng đến mỗi ngày một đông hơn; trong đó có một đoàn khách ở tận Cam Ranh – Khánh Hòa, đã hơn 10 năm trở lại đây, năm nào cũng về viếng hương, cầu tài lộc nhân ngày “lệ Bà”. Tất cả mọi người về đây đều chung một ý nguyện viếng nhang, gửi gắm tâm phận của mình vào đấng tối cao, để cầu mong sự bình yên hay bày tỏ những tâm nguyện của mình.

Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, đoàn khách mọi nơi bắt đầu đổ về viếng hương. Công tác đón tiếp của Ban Tổ chức được chuẩn bị chu đáo từ bảng chỉ dẫn đến cử người bảo vệ du khách, nghinh chuyển phẩm vật, nhang đèn. Người người về đây với lòng thành kính, tay cầm bó nhang, bình nước hay gói thuốc vào khấn Bà để bày tỏ ý nguyện trong lòng.

Công tác hậu cần trong Lễ hội hằng năm được tổ chức bài bản: từ việc chuẩn bị mâm cỗ, phẩm vật cúng Bà, cho đến nấu nướng để thết đãi du khách và bà con nhân dân trong làng về tham gia lễ hội. Công tác lễ tân, tiếp lễ, hướng dẫn quy trình viếng hương, xin lộc được Ban Tổ chức lễ chuẩn bị chu đáo. Vì vậy, tuy rất đông du khách nhưng tình hình an ninh trật tự bên trong và bên ngoài luôn được kiểm soát. Việc đốt nhang, vàng mã được thực hiện theo nội quy. Điểm nổi bật ở đây là mặc dù du khách đến rất đông, ai cũng có nhu cầu xin Bà phù hộ, xin lộc Bà để được may mắn; xin nước, thuốc và khấn Bà cho hết bệnh, nhưng hiện tượng tranh tài, giành lộc không xảy ra. Tất cả đều phải thực hiện theo nội quy chung, ai cũng đến lượt, ai cũng có phần. Người đến viếng hương ra về như trút bỏ mọi lo toan, suy nghĩ khó khăn của cuộc đời và hy vọng tương lai tươi sáng hơn.

Ban Tổ chức bắt đầu bàn soạn hương hoa, chè nước, phẩm vật để tế Bà. Phẩm vật ở đây bên cạnh heo quay, nghé sống nguyên con thì không thể thiếu các vật phẩm khác được khai thác từ ruộng Bà, vườn Bà… Lễ tế diễn ra trong lúc đêm khuya tĩnh lặng làm cho tiếng trống, chiêng, nhạc lễ và lời văn khấn vang vọng rất xa, tăng thêm phần trang nghiêm và huyền bí.

Lễ tế Bà kết thúc, theo tục lệ, Ban Tổ chức xin một ít phẩm vật, hương hoa, lên thuyền để thả hoa đăng. Mỗi ngọn hoa đăng được thắp lên, mỗi người sẽ cầu nguyện một niềm tin, một kỳ vọng. Mỗi ngọn đèn trên tay là ánh sáng xóa hết mọi khổ đau để cùng nhau xây dựng cuộc sống tươi đẹp và phồn thịnh. Trong chốc lát đã tạo thành dòng hoa đăng trải dài như mái tóc lấp lánh của người mẹ quê hương, xứ sở, mang sắc màu huyền bí. Khi hoa đăng vừa thả xong là lúc trời vừa hừng sáng; nghi thức này vừa mô phỏng lại cảnh bà trầm mình khi thất thủ, vừa là nghi lễ tiễn Bà về dưới miền xuôi.

Cũng như lễ hội ở khắp vùng Quảng Nam, Lễ hội Bà Thu Bồn ở Nông Sơn cũng có các trò chơi dân gian như: hát Dân ca – Bài chòi, đua thuyền và trình diễn nghệ thuật Tuồng mà Nông Sơn là một trong những cái nôi hình thành nên nghệ thuật Tuồng của xứ Quảng.

Các hoạt động tại Lễ hội Bà Thu Bồn ở Nông Sơn đã khơi lại nét văn hóa truyền thống. Đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa quý báu, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư với những nét đặc trưng và độc đáo chỉ có ở vùng thượng nguồn sông Thu Bồn của Quảng Nam.

Quảng Nam hai tiếng yêu thương

Thiết tha tiếng mẹ Thu Bồn gọi con

Tác giả: Phòng Văn hóa – Thông tin

Nguồn tin: Trích từ tập san: “Nông Sơn – tự hào vững bước đi lên”

Chia sẻ lên mạng xã hội